Dựa Vào Rác Để Trồng Lúa
Chúng tôi trở lại Thanh Hóa vào một buổi chiều tháng 11 đầy nắng. Con ngõ nhỏ sạch sẽ, vàng ươm màu nắng ráng chiều đổ xuống và rộn ràng tiếng nói cười.
Hỏi vào nhà cô Chuông, cách đó cả km nhưng không ai là không biết. Và thật tình cờ khi cả nhóm gặp cô ngay trên đường làng. Cô đang cùng với cháu nội chăm tưới cho mấy luống rau vụ đông.
Cô Chuông là đội trưởng của tổ sản xuất gồm 12 hộ nông dân đang canh tác nông nghiệp sạch bằng cách dựa vào rác để trồng lúa. Ấn tượng ban đầu của chúng tôi, cô Chuông có dáng người nhỏ, hơi gầy, gương mặt của một người nông dân gắn bó với đồng ruộng nắng gió nhưng trên môi lúc nào cũng nở nụ cười. Đặc biệt, cô có đôi mắt sáng, và biết cười.
Rồi khi được tiếp xúc, Ngỗng nhận ra, chẳng hẳn gì cô Chuông, mỗi người nông dân ở đây đều mang những nét đẹp tuyệt vời như vậy.
Dùng rác nuôi cây
Enzyme được ngâm từ các loại vỏ trái cây
Tổ sản xuất gồm 12 nông hộ, nhà nào cũng có những chiếc thùng lớn đựng và phân loại rác thải rất cẩn thận. Nắp thùng luôn được đậy kín và vệ sinh sạch sẽ nên không thấy ruồi muỗi bu bên cạnh như cảnh ta thường thấy ở những nơi có rác thông thường.
Ở đây, các cô canh tác theo nguyên lý nuôi dưỡng đất dựa vào vi sinh vật. Tức là, làm giàu thêm vi sinh vật đất nhờ vào phân vi sinh dạng nước hoặc mùn ủ.
Cô Chuông dẫn chúng tôi qua xem những thùng nước lên men, là hỗn hợp ủ lên men của các loại vỏ trái cây, trái cây hư hỏng xin được ở chợ hay hàng xóm xung quanh.. kết hợp cùng với chất tạo ngọt và nước.
Các thùng ngâm enzyme
Enzyme ở trên để hoai mục, thêm xác cây cỏ (thân chuối, lá cây bèo...) và ít vỏ trái cây + vỏ trấu hun, được ủ để tạo thành phân mùn. Nhà ai có thêm gia súc, gia cầm có thể dùng phân đó để ủ cùng. Và để làm loại phân này, cần ủ đến 6 tháng. Thành phẩm thu được là phân dạng cầm nắm được, mềm, giàu khoáng chất, là nguồn “thức ăn” lý tưởng để cây hấp thụ và sinh trưởng.
Hay nói cách khác, người nông dân nuôi đất, đất tự nuôi cây.
"Canh tác như này đỡ hơn"
Ấy là cô Chuông khoe với chúng tôi thế khi chia sẻ về quá trình canh tác an toàn này. Đỡ vất vả, không có nghĩa là chỉ cấy lúa, bón phân, rồi mặc đó đợi đến ngày thu hoạch đâu nhé! Đỡ hơn, tức là mình tự chủ được phân bón, là không còn phải lo nghĩ, đau đầu mỗi khi lúa gặp sâu bệnh phải phun trừ hóa chất. Mà không dùng hóa chất cho cây lúa, người nông dân cũng đỡ phải nạp vào người các chất độc hại trong quá trình phun xịt sẽ nhiễm phải.
Giàn hoa được chăm sóc bằng dung dịch enzyme nở hoa rực rỡ. Ảnh: NVCC
Sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ được cắt xuống, tưới nước enzyme lên nhằm sử dụng vi sinh vật đẩy nhanh quá trình “phân giải” xác hữu cơ, sau đó dùng máy lồng vùi xuống ruộng. Tức là hoàn lại gần như phần lớn chất hữu cơ lại cho đất mẹ.
Trước vụ cấy khoảng 10-15 ngày, người nông dân sẽ bón vôi cho ruộng, từ 5-10kg/ sào. 2-3 ngày trước khi cấy sẽ bón phân mùn. Trong quá trình lúa sinh trưởng sẽ có hun enzyme, bón phân mùn tùy vào từng thời điểm sinh trưởng quan trọng để cây lúa phát triển tốt nhất. Ngoài ra, nói không với bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, diệt chuột hay hóa chất nào khác. Các bác nông dân sẽ thường xuyên ra thăm đồng, làm cỏ ruộng để lấy chỗ và dinh dưỡng cho cây lúa phát triển.
Với quy trình canh tác như này, đầu vào của sản phẩm gần như hoàn toàn có thể tự túc tự cấp, chỉ duy có vôi là phải mua. Giống lúa cũng chỉ cần mua vị đầu tiên, sau đó các nhà sẽ chủ động để giống. Tính về công sức lao động có khi gấp 2-3 lần bình thường mà sản lượng chỉ bằng 2/3 phương thức cũ. Cái đỡ của người nông dân chính là họ tự chủ hoàn toàn trong canh tác, cùng cách thức canh tác thân thiện với môi sinh. Thật đáng cảm phục!
Tổ sản xuất của niềm tin
Các thành viên của tổ sản xuất. Hình minh họa: NVCC
Canh tác tự nhiên không hóa chất, bảo dễ cũng không hẳn mà bảo khó cũng một phần. Cái khó ở đây là mọi người phải gây dựng được niềm tin, phải luôn tin tưởng vào phương pháp canh tác, không chạy theo sản lượng mà lén lút sử dụng các loại phân bón hóa chất khác. Bởi mỗi cách thức, sẽ thấy chất lượng sản phẩm khác nhau, bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận ra.
Nhưng không phải tập thể nông hộ nào cũng có thể làm được. Họ cần một người khởi xướng. Mà như tổ sản xuất của cô Chuông, đó là chị Vân Anh với tên gọi thân thương: chị Tương. Chị là một người có chuyên môn về vi sinh, có trách nhiệm kỹ thuật cao nhất trong tổ, đồng thời cũng là người điều phối việc buôn bán lúa gạo của các nông hộ.
Bên cạnh chị Tương là cô Chuông – đội trưởng, nhân vật được Ngỗng nhắc đến ngay đầu. Cô Chuông là một người nông dân vui vẻ, hòa đồng, mà được cả nhóm tín nhiệm vì sự tận tình, trách nhiệm. Để gặp cô rồi, lắng nghe cô trò chuyện, mới thấy cái sắc sảo, kiên định toát lên.
Tổ sản xuất 12 nông hộ, ruộng sát ruộng, nhà sát nhà. Đến nếp ăn ở, tính cách cũng đã gắn bó với nhau. Nay cùng nhau làm nông nghiệp sạch, niềm tin cùng nhau xây dựng và phát triển.
Ngẫm
Trên xe trở về nhà. Một hành trình dài cho Ngỗng nhiều suy nghĩ. Ngỗng thấy hiểu hơn về con người, về tự nhiên, về cách mà chúng ta cùng nhau phát triển và gắn bó, để nuôi lại đất mẹ - nơi đã nuôi ta lớn lên. Chúng ta sẽ phải là những mầm cây cứng cáp, phải vươn mình lên đón ánh nắng, phải đón đầu những thử thách, để chúng ta sẽ có một rừng cây. Và Ngỗng hiểu, trên hành trình đồng hành cùng người nông dân phát triển sinh thái nông nghiệp bền vững này, Ngỗng không đơn độc!