Giỏ hàng

Có một vùng cam ngọt lành như thế !

Về với Hàm Yên – Tuyên Quang những ngày này, bạn sẽ không khỏi choáng ngợp với những vườn cam sum sê trái trải dài trên những triền đồi đầy nắng gió và sỏi đá. 

                                                                     Về Hàm Yên, Hàm Yên tươi xanh
                                                                     Hương chè thơm dịu ngọt Cam Sành
                                                                     Vào Động Tiên khơi trong huyền bí
                                                                     Ta thấy lòng khát mãi tình yêu”.

Chuyện kể rằng, có vị du khách phương xa ghé chân đến vùng Hàm Yên non nước hữu tình này, liền phải lòng ngay cái chất giản dị trên từng ngọn cỏ mà thấm đẫm tình người mộc mạc nơi núi rừng, mang trong mình những nét văn hóa đặc trưng độc đáo. Đó là màu đỏ thắm của những đóa hoa cài trên ngực áo, là màu xanh bạt ngàn núi rừng, là màu vàng rực rỡ của cam sành đến vụ. Những trái cam được canh tác, chăm bón trên mảnh đất Hàm Yên có lớp vỏ sần sùi như những mảnh sành, vậy mà từng múi thịt bên trong mọng nước. Ai đã từng một lần nếm trải hương vị ấy, hẳn sẽ nhận ra ngay sự khác biệt so với những trái cam thông thường.

Kể chuyện ngày xưa

Người dân trong vùng quen gọi cam Hàm Yên là cam làng Mường. Theo lời các cụ kể lại, khoảng năm 1890, khi hai cụ già người dân tộc đi bẫy thú ở Quan Tiên, bản Mường, khi dừng chân nghỉ thì thấy một cây có quả đã chín vàng, lá nhọn nên hái ăn thử. Thấy quả có vị ngọt, thơm mát, giúp người tỉnh táo, hai cụ bèn đem hạt về trồng trong vườn nhà. Từ đó, mọi người truyền nhau xin giống mang về trồng, phát triển thành những vườn cam, đồi cam rộng lớn như ngày nay.

Cam Hàm Yên thường có màu xanh, khi chín chuyển màu cam vàng óng. Vỏ quả hơi sần, mọng nước, bên trong ruột vàng sánh như mật. So với những loại cam khác, cam sành thơm hơn, ngon hơn, càng chín càng mọng, càng chín càng ngon, không bị khô như các cam khác. Vị cam ngọt nhưng vẫn có chút chua thanh thanh chứ không ngọt hẳn nên rất dễ ăn.

Từ thực trạng ... tới cơ duyên...

Chú Hoàng Thọ Phúc bên vườn cam của mình

Chúng tôi có duyên gặp chú Hoàng Thọ Phúc (Nhân Mục, Hàm Yên, Tuyên Quang) – một trong những chủ vườn cam lâu đời nhất nhì có tiếng tại Hàm Yên với vườn cam rộng 15.000 m2 với khoảng 500 gốc thuộc về khu vực đất Đồng Ca nên được chú đặt luôn tên là vườn cam Đồng Ca. Gia đình chú trồng cam từ năm 1999, giống được lấy từ vườn 35 năm tuổi, chiết cành về trồng, đến nay cũng đã được 21 năm. Trong đó, vườn cam nhà chú đã được chuyển đổi qua canh tác theo hướng hữu cơ tới nay là năm thứ 4.

Trước đây, cũng như nhiều hộ trồng cam khác, gia đình chú theo canh tác truyền thống, sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu bệnh hại. Nhưng rồi ngày càng nhiều hộ dân lạm dụng thuốc hóa học, đến gần thu hoạch vẫn sử dụng thuốc để quả được đẹp hơn. Tháng 12 âm lịch, vào vườn cắt cam, mùi thuốc vẫn còn nồng sặc. Cam dù mẫu mã đẹp nhưng rất độc hại do còn hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều, trái cam chưa đủ thời gian cách ly đã được thu hoạch, sau khi cắt rất nhanh bị thối hỏng, lâu nhất được 5 ngày dù có cắt nhẹ nhàng từng quả. Do đó, những vườn cam phun nhiều thuốc thường chỉ hái khi quả còn xanh, còn khi chín để rụng cũng không ai mua. 

Thực tế đó khiến chú Phúc trăn trở lắm. Cam sành Hàm Yên trước nay vẫn được coi là đặc sản thơm ngon. Trước kia,thu hái về nhà để cả tháng cam chỉ héo lại, xuống nước thơm ngon chứ không hề dễ hỏng như hiện tại. Nay lại vì hóa chất mà trở nên mất giá, thậm chí còn gây nguy hiểm cho người sử dụng. Cần phải thay đổi phương pháp canh tác để cải thiện chất lượng.

“Duyên đến với hữu cơ khi các doanh nghiệp đến, lúc đó chú còn chưa biết hữu cơ là gì? Bắt đầu mày mò, bảo làm hữu cơ là sản xuất bền vững, người trồng khỏe hơn mà người ăn cũng an toàn hơn, thế là chú bắt đầu làm”- Chú Phúc vừa cười vừa chia sẻ.

Làm hữu cơ có những khó khăn...

Lúc mới đầu chuyển đổi sang hữu cơ, cây cam yếu hơn, có cây không ra quả, cây nào có ra quả cũng rất kém, quả nhỏ. Lúc ấy, nhiều người bảo cam của chú sắp chết rồi. Nhưng theo hữu cơ phải trải qua 3- 4 năm đầu thay đổi, nên chú Phúc vẫn vững tâm động viên gia đình theo làm hữu cơ. Thậm chí, chú xác định sẽ dành 5 năm đầu để vườn cam có thời gian thay đổi, thích nghi với phương pháp mới.

Chú Phúc bảo, làm nông nghiệp sạch, thì cần nhất là phải có tâm, làm phải thật, phải kiên trì. Trước đây, đến vụ bón phân chú chỉ cần mang lên đồi bón là xong, cây bị sâu bệnh thì phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ. Nhưng trồng cam hữu cơ quy trình hoàn toàn khác, phân bón được ngâm, ủ từ đỗ tương, ngô... còn thuốc trừ sâu là sử dụng hỗn hợp gừng tỏi ớt ngâm cùng rượu trắng.

Ngâm ủ đỗ tương để tưới cho cây cam 

Chú Phúc cho biết quy trình trồng và chăm sóc một vườn cam hữu cơ cũng mất nhiều thời gian và công sức hơn so với làm truyền thống. Khi mới trồng, cần chú ý khoảng cách các cây. Trong suốt quá trình trồng và chăm sóc, phải thường xuyên cắt tỉa những cành sâu bệnh và cành nằm khuất trong tán lá để vườn thông thoáng, cây sinh trưởng tốt. 

Khi phun hỗn hợp gừng tỏi ớt phòng trừ sâu bệnh cũng cần phun 2 lần mỗi đợt, phun nhắc lại sau 2 ngày để đảm bảo hiệu quả, tốn công sức hơn so với dùng thuốc hóa học thông thường chỉ 1 lần là được.

Tốn công sức nhất là bọ xít, phải bắt bằng tay vì chưa có thuốc, hỗn hợp gừng tỏi ớt không làm gì được. Cần bắt và bóp ngay từ khi còn là tổ trứng, để lớn lên bọ xít nở ra có cánh sẽ bay lên cao, lúc đó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn. Do đó, rất mất thời gian để quan sát và bắt bọ xít bằng tay với một vườn cam rộng như vậy.

Bên cạnh đó, đồi cam hữu cơ cũng gặp phải tình trạng nhiều sóc, chuột tới quấy phá hơn so với những vườn cam canh tác truyền thống khác. 

Và cũng được nhiều hơn...

Không phụ công chăm sóc của cô chú, vượt qua năm thứ 3, cây cam đã ổn định lại, cho quả ổn hơn. Sang tới năm thứ 4 đẹp hơn, sai quả hơn. Đến lúc này, cô chú có thể yên tâm và hài lòng vì mình đã đi đúng hướng nông nghiệp sạch.

Chú Phúc đang tận tay kiểm tra và cắt từng trái cam đạt chuẩn

Với chú Phúc, cái được lớn nhất khi chuyển sang canh tác hữu cơ là được về sức khỏe. Nếu như trước kia, mỗi đợt phun thuốc sâu xong chú phải nghỉ 5-6 ngày, mệt mỏi không làm được việc gì, thì nay, sử dụng dung dịch gừng tỏi ớt sáng phun xịt, chiều vẫn đi phát cỏ bình thường, hôm sau ngủ dậy cũng không thấy mệt mỏi. “Là người trực tiếp sản xuất, không bị ảnh hưởng bởi hóa chất, nên nhiều lúc thấy người khỏe và trẻ ra”- Chú Phúc cười.

Khi sản xuất những vườn cam hữu cơ, thành phẩm bán ra thị trường, mình thấy lương tâm mình cũng “sạch”, vì khách hàng của mình được sử dụng những sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe.

Chứng nhận hữu cơ PGS của nhóm Đồng Ca, Liên nhóm sản xuất hữu cơ Hàm Yên

Cây cam khỏe, trái cam sạch nên chú Phúc nhất quyết giữ trái tới khi chín mới bán. Chú bảo: “Cam Hàm Yên đặc điểm là cam chín vàng, vị ngọt kèm chút chua thanh sắc sảo chứ không phải cam vỏ xanh giống cam miền Nam. Mình cảm thấy quả chưa đạt độ ngon thì không nên bán. Bán trước có lợi chú hơn, quả vừa nặng lại đỡ lo rụng nhưng chú không thích bán để mất khách. Mình cứ để đạt độ ngon hãy cắt, không phải vội".

Trăn trở để mở rộng hơn những vườn cam hữu cơ

Chia sẻ với chúng tôi, chú Phúc cũng giãi bày trăn trở. “Trên Hàm Yên vẫn còn nhiều gia đình sử dụng các loại hóa chất, nhiều người vẫn chưa hiểu theo sản xuất bền vững, vẫn dùng thuốc và phân bón hóa học. Nhiều lúc tâm sự với bà con, chú Phúc vẫn động viên bà con hãy mạnh dạn chuyển đổi, bà con cứ làm, nếu không có thời gian học các buổi tập huấn trên huyện thì có thể hỏi chú, chú sẵn sàng chia sẻ hết kinh nghiệm. 

Chú rất muốn bà con theo hướng bền vững, vừa giúp sức khỏe của mình, vừa người tiêu dùng không ăn phải các hóa chất độc hại. Mong muốn bà con làm sao thật sự kiên trì vượt qua 2 năm đầu, cây hồ phục lại, theo mức sinh hoạt, bón phân hữu cơ rất ổn định, cây bền vững hơn làm hóa học”.

Với vườn cam hữu cơ như hiện tại, ước tính sản lượng 30-35 tấn, vườn cam là thu nhập chính của gia đình chú, đồng thời cung cấp ra thị trường những trái cam ngọt lành chất lượng.

Chia sẻ với những khách hàng, những người đã, đang và sẽ được sử dụng những trái cam thơm ngon và an lành từ vườn cam Phúc, ánh lên trong đôi mắt và nụ cười chân chất của chú, chúng tôi thấy cả sự quyết tâm và tự hào: “Các bạn khách hàng hãy an tâm tuyệt đối về trái cam và không phải lăn tăn gì. Nếu phát hiện vườn có dùng hóa chất nào, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nếu có cơ hội, mời mọi người trực tiếp lên vườn cam để thăm quan và trải nghiệm, tôi lúc nào cũng sẵn sàng đón tiếp và chia sẻ”

Kết

Ở đâu cũng cần người tiên phong, cần gia đình tiên phong. Chú Phúc và vườn cam Đồng Ca trở thành một tấm gương như thế. Kiên trì, nhẫn nại, quyết tâm vượt qua những khó khăn, sẽ có ngày thu được trái thơm ngọt lành. Hi vọng trong thời gian tới, lên với Hàm Yên, chúng ta sẽ được thấy nhiều hơn những vườn cam hữu cơ. Để có một vùng cam ngọt lành như thế!

--------------------------------

Mời bạn khám phá những sản phẩm Ngon - Lành - Sạch của Ngỗng TẠI ĐÂY