Giỏ hàng

THIÊN ĐỊCH HẠI VƯỜN CAM - KHÔNG LÀM GÌ

Người chưa làm hữu cơ thì sợ sâu bệnh phòng trừ thay thế hóa chất ra sao.

Người mới làm hữu cơ thì nói về thiên địch con này tốt con kia xấu.

Người đã làm hữu cơ nhiều năm thì chả còn phân biệt thiên địch tốt xấu.

Như người tu tập lâu ngày, sự khiêm nhường của người nông dân với thiên nhiên càng sâu sắc hơn. Làm sao biết được con nào là tốt là xấu, tốt cho cái gì và tốt cho ai khi mọi sinh vật đều là một mắt xích trong chuỗi sinh thái.

Chú Phúc đã bỏ mấy thùng phi "gừng tỏi ớt", loại hợp chất hữu cơ mà nông dân tự chế để xua đuổi sâu bệnh đã lâu. Bởi khi hiểu thiên nhiên và tôn trọng thiên nhiên thì mọi sinh vật đều bình đẳng, tốt xấu chỉ là cái nhìn hạn hẹp của ta.

Với vườn cam hữu cơ, thiên nhiên đang cố làm cân bằng điều đấy bằng những loại sinh vật "thích" cam. Và có quá nhiều loài thích cam thì sẽ có những loài thích loài " thích cam". Việc của người nông dân chỉ là kiên nhẫn hỗ trợ cây cam đợi "những người bạn" đến.

Chú Phúc sau 6 năm sản xuất hữu cơ thì đã tới đỉnh cao của làm vườn là "KHÔNG LÀM GÌ CẢ".

Chú chỉ cho chúng tớ ví dụ năm nay vườn cam chú Phúc xuất hiện nhiều kiến đen quá. Chúng tấn công lá cây cam để hút nước mật, gây ra sự suy nhược và chết đứng cây. Kiến đen cũng làm cho quả cam bị đen hoặc không đạt chất lượng.

Chẳng những vậy, chúng còn khiến kiến vàng - thiên địch có lợi cho vườn cam sợ chạy đi hết, rồi lôi đám rệp về vườn cùng nhau “hưởng thụ”, phá vườn.

Con rệp thì chuyên gia ăn lá, hoa và quả, hút nước mật từ cây, gây ra sự suy nhược và mất lá, khiến cây yếu và khó phát triển hoặc bị chết đứng. Hơn thế, chúng còn lây lan virus gây bệnh từ cây này sang cây khác.

Nhưng mình chưa biết con nào sẽ thích con kiến đen này nên cây nào chết vì sức đề kháng yếu thì mình chặt đi thôi, nhiều tổ kiến đen quá thì mình bắt bớt đi, còn lại thì kiên nhẫn "ĐỢI" chứ mình xịt gừng tỏi ớt nhỡ đâu những người bạn mới đến lại bị xua đuổi đi.