Chứng Nhận Nào Tốt Nhất, Minh Bạch Nhất?
Chúng ta có những người nông dân tốt tạo ra những sản phẩm tốt. Nhưng chúng ta đang có một thị trường thiếu minh bạch, và người tiêu dùng bị loạn thông tin, thuật ngữ hữu cơ, sinh thái, hữu cơ vi sinh,... tiêu chuẩn tây, ta, tự phong đủ cả. Để minh bạch thị trường, bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng chúng ta cần một đội ngũ thanh tra nhiệt tình, tâm huyết và trung thực. Đó là những điều mà mình đã từng nghĩ và theo đuổi.
Ngỗng đã tham ra rất nhiều các khóa học về nông nghiệp hữu cơ, các mô hình nông nghiệp bền vững trên thế giới, làm thanh tra hữu cơ của PGS Việt Nam, đào tạo thanh tra chứng nhận hữu cơ USDA của Mỹ, JAS của Nhật rồi làm thanh tra cho PGS Việt Nam hàng năm trời. Mỗi chứng nhận một kiểu tiêu chuẩn để phù hợp với những đặc điểm, cách thức sản xuất của từng quốc gia, kỳ vọng của khách hàng về chất lượng sản phẩm.
Khóa học thanh tra hữu cơ USDA do Mr. Ong Kung Wai từ Malaysia nguyên phó chủ tịch IFOAM, giám đốc điều hành liên minh các tổ chức chứng nhận hữu cơ khu vực châu Á ( CertAll) giảng dạy
Khoá đào tạo thanh tra và cấp Chứng nhận hữu cơ Nhật Bản JAS
Đi miết, học miết, làm miết với các hộ nông dân rồi các danh nghiệp lớn mà cứ băn khoăn câu hỏi làm chứng nhận để làm gì? Chứng nhận hữu cơ dù tiêu chuẩn khó khăn, nghiêm khắc đến đâu, nếu người làm không thực tâm muốn làm thì vẫn có thể lách được. Thanh tra có đứng trên đồng 24/7, test chỉ tiêu liệu có test được chỉ tiêu từng mớ rau, trái cam. Khách hàng dù có mua sản phẩm hữu cơ chứng nhận nếu không niềm tin vào người sản xuất, không tin vào người giám sát, chi phí cấp chứng nhận hàng chục ngàn đô cũng vô nghĩa.
Đi thanh tra vườn rau hữu cơ PGS Việt Nam
Ông cha ta ngày trước, không biết đế tiêu chuẩn nhưng sản phẩm làm ra chắc chắn hữu cơ, sạch không hóa chất nên chẳng phải trả tiền cho bất cứ ông Tây ông Nhật nào sao để cấp chứng nhận cho vườn rau nhà ăn, bán cho làng trên xóm dưới.
Với mình, nếu xuất khẩu đi xa, khi mà người sản xuất và người bán hàng không thể gặp nhau, thì chứng nhận giải quyết câu chuyện “niềm tin” khách hàng. Tại khách cũng không biết tin ai, thì đành bấu víu vào niềm tin một tổ chức cấp chứng nhận mà mình cũng không biết là ai, hoạt động ra sao. Còn với khách hàng địa phương, không chứng nhận nào hơn niềm tin ở con người. Và niềm tin được xây dựng bằng sự hiểu và biết, sự kết nối giữa khách hàng và nông dân.
Với người nông dân, người sản xuất, không có sự giám sát nào tốt hơn sự tự trọng, không có chuyên gia khóa học nào tốt hơn sự cởi mở sẻ chia kiến thức từ cộng đồng trong sản xuất. Thay vì trả tiền cho một đơn vị cấp chứng nhận, hãy dành thời gian cho nhau bởi “ know your farmer, know your food”, hiểu, đồng cảm, sẵn sàng sẻ chia với người sản xuất, bạn sẽ nhận được những trái ngọt xứng đáng.
Chính vì vậy, mấy năm gần đây Ngỗng tập trung hơn vào các hoạt động kết nối, đồng hàng giữa nông dân và khách hàng, sẻ chia kinh nghiệm sản xuất giữa những người sản xuất với nhau.