Ruộng Rươi: Mô Hình Canh Tác Lúa Không Hóa Chất “Biết Đủ”
Ruộng Rươi, vùng đất bãi bồi phù sa màu mỡ do hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình bồi đắp. Tại đây, người nông dân với thu nhập chính là con Rươi, lúa chỉ là thu nhập phụ. Con Rươi rất nhạy cảm với hóa chất nên gạo ruộng Rươi rất sạch, an toàn và dinh dưỡng.
I. HỆ SINH THÁI RUỘNG RƯƠI
1. Đất
Đất ruộng rươi xưa kia là những bãi cói chạy dọc cửa sông ra đến biển. Một mảnh đất bồi phù sa màu mỡ do hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình bồi đắp. Rừng đầu nguồn mất nhiều thì vùng bãi bồi cửa sông càng màu mỡ. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đất đạt yêu cầu, các vùng nguyên liệu của Ngỗng đều được test kiểm tra mẫu đất.
Đặc biệt đồng rươi không bao giờ cày, người ta sợ làm chết rươi. Đây vô tình là phương pháp đang rất phát triển, được thế giới công nhận là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ và ổn định hệ sinh vật trong đất. Tuy nhiên, điều này lại hoàn toàn trái ngược với quan điểm “cày sâu cuốc bẫm”của nông nghiệp truyền thống. Sự khác biệt này có thể giải thích bởi ruộng thông thường không có giun đất hay rươi, đất lâu ngày sẽ bị nén chặt, không được tơi xốp, cần phải cày xới lên để rễ lúa dễ phát triển
2. Nước
Nước cửa sông là nước lợ (vùng nước pha giữa nước ngọt từ sông và nước mặn của biển) độ mặn thường từ 2-5/1000 có khi lên đến 10-15/1000 tùy vào con nước. Chính vì thế nông dân chỉ trồng được những giống chịu mặn, cứng cây và vào vụ chính là vụ Xuân- Hè (một số ruộng có thể trồng cả 2 vụ hoặc chỉ vụ Thu - Đông). Bạn uống cafe muối chưa? Gạo trồng vùng nước lợ sẽ đậm vị hơn và có vị ngọt, thơm cơm hơn gạo thông thường.
Nước cửa sông phù sa màu mỡ là thế, nhưng sông bắt nguồn từ Trung Quốc, qua các làng mạc, thành thị cũng mang theo nhiều thứ không mong muốn ngoài phù sa. Nhưng các bạn yên tâm, nước sông sẽ được kiểm tra hàng năm vào thời điểm nhạy cảm và có nguy cơ ô nhiễm cao nhất để kiểm tra chất lượng nước. Gia đình mình cũng chính là người đang sử dụng gạo ruộng rươi. Với mong muốn mang lại chất lượng tốt nhất cho các bạn, Ngỗng đã và đang cố gắng hết sức áp dụng các phương pháp khác nhau để nâng cao uy tín, minh bạch trong chất lượng sản phẩm. Những nguy cơ đôi khi không phải do người nông dân, bởi lẽ, có những nông dân chân chất, cần cù và làm nông với cái TÂM mà Ngỗng đang hợp tác
3. Con rươi
Ở Việt Nam, con rươi có nhiều ở các tỉnh đồng bằng vùng trũng, có diện tích đất ngập úng, có con nước thủy triều lên xuống của các con sông, con lạch nhỏ, nước lợi như một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Rươi có hình dạng như con giun, nhưng dẹp hơn, thân dài từ 6-7cm, chiều ngang khoảng 5-6mm, toàn thân gồm rất nhiều đốt màu hồng nhạt, trắng, nâu nhạt, xanh nhạt hoặc đỏ hồng. Con rươi rất giàu dinh dưỡng, thường được chế biến thành các món ăn hấp dẫn.
Trước kia, nông dân không biết nuôi rươi, thường thu hoạch rươi tự nhiên vào “tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm”. Con rươi ngày ấy chỉ nhỏ bằng đầu đũa, nhưng đã trở thành món ngon truyền thống của người dân Việt Nam. Chẳng thế mà chắc không ít người sành ăn biết đến Hàng Rươi trong 36 phố phường.
Mấy năm gần đây, có người nghiệm ra con rươi sống trong đất như giun nên mạnh dạn dùng phân trâu bò, phân gà thậm chí là cám đổ xuống ruộng. Rươi sinh sản phát triển nhanh, mạnh, phù hợp với hệ sinh thái nơi đây. Với diện tích ruộng khoảng 1 ha, với những năm được mùa - thuận lợi về thời tiết, con nước, đất được cải tạo tốt thì thu hoạch lên đến cả tấn rươi. Rươi trở thành thu nhập chính của ruộng, giá trị của rươi gấp 20-30 lần trồng gạo thông thường. Chính vì giá trị con rươi cao như vậy, nên người nông dân rất sợ sử dụng các chất hóa học vào đồng làm ảnh hưởng đến năng suất của rươi.
4. Hệ sinh thái vùng đệm
Trước kia nông dân khai thác dựa vào thiên nhiên, thu hoạch chính là cói mọc tự nhiên để làm chiếu, ngoài ra còn có lau sậy và sú vẹt, các loại đặc sản thiên nhiên trời phú cho vùng đất này như rươi, tôm rảo, cua, rạm, cá sông… theo mùa và theo con nước. Hiện nay, thay bằng cói, người nông dân đã trồng những giống lúa chịu mặn, kháng bệnh tốt, mà chủ yếu là những giống lúa địa phương như lúa nếp và thử nghiệm một số giống lúa mới để chọn lọc cây giống phù hợp nhất với vùng đất ven cửa sông và để phục vụ cho nhu cầu sử dụng lúa gạo sạch trong gia đình. Những khóm cói còn lại mọc ven bờ đê ruộng vừa giữ bờ, vừa làm nhà ở cho những con tôm rảo, cua, rạm, ốc..
II. QUY TRÌNH CANH TÁC
1. Giống
Hiện tại, phần lớn diện tích ruộng rươi trồng lúa nếp, một loại lúa kháng bệnh tốt, năng suất cao. Ngoài ra, nông dân cũng trồng một ít gạo tẻ như gạo BC để ăn trong gia đình và người quen biết, bạn bè đặt. Để hạn chế sâu bệnh nông dân thường cấy thưa và cấy một vụ. Vì vậy năng suất 1 năm chỉ 2-3 tấn/ha trong khi ruộng chuyên canh (13-14 tấn năm (2 vụ) thậm chí miền nam còn cấy 3 vụ.
Ngỗng đang thử nghiệm các giống gạo tẻ, chịu được mặn, chất lượng cao và hướng đến những giống lúa địa phương để bảo tồn. Tuy nhiên, rủi ro cũng sẽ cao hơn đòi hỏi team Ngỗng phải đồng hành sát sao với bà con không chỉ về mặt hỗ trợ vật chất mà với người nông dân hơn hết là cái tình, cái tinh thần để cho bà con hiểu rồi làm.
Hiện nay, 2 giống lúa đang được Ngỗng lựa chọn để cấy ở ruộng Rươi là giống Việt ST24 và giống Nhật J02. Đây là giống lúa có đầy đủ yếu tố để sinh trưởng và phát triển tốt trên ruộng rươi. Giống lúa J02 là giống lúa thuần có nguồn gốc từ Nhật Bản được Viên Di truyền Nông Nghiệp nhập nội và tuyển chọn. Trong khi đó giống lúa ST24 là giống cho hạt gạo ngon, có khả năng thích nghi vùng ngập mặn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.
2. Phân bón
Rươi cũng tương tự như giun đất trong vườn, giun quế, thức ăn là mùn và xác thực vật. Nông dân đang nuôi rươi bằng phân trâu bò và phân gà, đất ruộng rươi là bãi bồi ven sông nên ruộng rất màu mỡ, đồng thời nông dân thường chỉ cấy một vụ (hạn chế sâu bệnh, mưa bão, nước mặn) vì vậy hoàn toàn cây lúa không cần bón phân hóa học và thuốc trừ sâu hóa học vẫn phát triển tốt, cho năng suất cao, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, sự tuyên truyền phải dùng phân bón hóa học mấy chục năm đã in sâu vào tiềm thức của cả một thế hệ nông dân. Và chưa có nghiên cứu nào nói đến ảnh hưởng về năng suất của rươi, lúa, tính toán thiệt hơn nên một số ruộng nông dân vẫn cố tình bón thúc thêm chút vào thời điểm lúa làm đòng - lúa trổ bông. Với lý do đưa ra là để cho bông lúa phát triển đồng loạt, hạt chín đều, cây khỏe ít sâu bệnh. Đây cũng là điểm trừ lớn nhất trong lợi thế của gạo ruộng rươi nếu như bạn kì vọng vào một sản phẩm hoàn toàn không hóa học.
Tuy vậy chúng ta vẫn có thể cải thiện được điều đó. Hiện nay, Ngỗng đã hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng và thường xuyên thăm đồng để kiểm tra tình hình, phối hợp với Khuyến nông Hải Phòng thăm và hướng dẫn nông dân kỹ thuật khi cần. Hơn hết là để động viên tinh thần của nông dân, bởi, không phải một sớm một chiều mà người nông dân hoàn toàn thay đổi được. Nhưng, với những người nông dân làm nông với cái tâm, với mong muốn gia đình, bạn bè có sản phẩm tốt nhất để sử dụng thì Ngỗng thực sự khâm phục và lấy đó làm động lực để nâng cao nhận thức cho những gia đình khác. Năm thứ 2, bên mình sẽ tiếp tục hướng dẫn nông dân với các biện pháp nông nghiệp bền vững, hữu cơ để so sánh về sản lượng, chất lượng gạo, giá thành.
Sau đó, việc áp dụng phương pháp nào là quyền của nông dân và trách nhiệm của bên mình là minh bạch thông tin.
3. Sâu bệnh
Với năng suất chỉ bằng 1/6 ruộng thông thường nhưng bù lại thu nhập từ rươi gấp 20-30 lần thu nhập từ lúa nên người nông dân không dại gì mạo hiểm sử dụng thuốc trừ sâu.
Để hạn chế sâu bệnh và thiệt hại, nông dân thường chỉ cấy vụ Xuân - Hè nên có khoảng 6 tháng đất nghỉ, mầm bệnh từ vụ trước sẽ hạn chế. Thêm vào đó, việc cấy thưa, mỗi khóm lúa cách nhau khoảng 15-20 cm và chủ yếu là cấy nếp (giống kháng chịu sâu bệnh tốt) giúp hạn chế sâu bệnh. Bởi quan điểm của nông dân là ăn chắc mặc bền, thà được ít thóc bán còn hơn là mất trắng nếu mạo hiểm trồng quá nhiều gạo tẻ, trong khi giá cả không có sự khác biệt nếu không có thương hiệu và người mua tin tưởng đây là gạo ruộng rươi.
4. Cỏ dại
Để hạn chế cỏ dại, do nằm ngoài đê không phụ thuộc hệ thống thủy lợi nội đồng, có thể chủ động về nguồn nước ra vào ruộng nên một số nông dân giàu kinh nghiệm có thể kiểm soát cỏ dại bằng cách điều tiết nước, tạo ngập úng để diệt cỏ, rồi tháo nước ra, tuy nhiên phần lớn các ruộng đều phải làm cỏ bằng tay tốn nhiều công hoặc chấp nhận cỏ nhiều hơn lúa (cấy thưa).
5. Cấy hái, thu hoạch
Bãi cửa sông có chỗ lầy lội, máy cấy máy gặt không đi xuống được mà nông dân cũng sợ ảnh hưởng đến rươi nên phần lớn các ruộng đều đang cấy, gặt bằng tay nên rất vất vả và tốn nhiều chi phí. Sau khi thu hoạch, chỉ sử dụng máy nhấn rạ xuống ruộng, không cày xới để bảo vệ hệ sinh thái cũng như con rươi.
III. NGƯỜI NÔNG DÂN VÀ CÂU CHUYỆN THƯƠNG HIỆU, CHỨNG NHẬN
1. Người nông dân và câu chuyện thương hiệu
Mỗi vùng ruộng rươi không phải của 1 nông hộ mà thường nhiều hộ nông dân khác nhau, chủ yếu là người trong làng, ra thầu ruộng ngoài đê. Mỗi hộ có diện tích ruộng từ vài mẫu hoặc vài ha với gia đình khá giả. Các biệt mới có những hộ có từ 2-3 chục ha. Với diện tích như vậy nếu cấy lúa để nhà ăn gạo sạch thì dư mà xây dựng thương hiệu gạo ruộng rươi thì không bõ. Rồi câu chuyện thị trường, marketing, phân phối, chăm sóc khách hàng, nhận diện thương hiệu với nông dân thuần túy thực sự là thách thức hơn cả việc bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nên bao năm nay gạo ruộng rươi vẫn là gạo nếp bán như gạo thông thường.
Trong khi đó, thu nhập từ con rươi khá cao, lại không phải vất vả nhiều trong việc chăm sóc, nên phần lớn nông dân có bãi rươi trông đợi vào thu nhập chính là con rươi. Nên trước nay, mọi người thường chưa quan tâm cũng như để ý nhiều đến gạo ruộng rươi.
2. Chứng nhận
Mọi diện tích đều có thể sản xuất và chứng nhận hữu cơ, tùy theo bộ tiêu chuẩn mà độ khắt khe của các chỉ tiêu khác nhau.
Hiện nay, tiêu chuẩn hữu cơ USDA của Mỹ thường được các công ty lớn áp dụng, tuy nhiên, do hình thức cấp chứng nhận do bên thứ 3, một năm chỉ kiểm tra một lần, có hẹn trước, nên từ thực tế thành viên của Ngỗng tham gia đào tạo thanh tra hữu cơ quốc tế, vườn đạt chứng nhận này có thực sự đảm bảo làm đúng tiêu chuẩn hay không thì cũng phụ thuộc vào tính khách quan của người thanh tra, đơn vị cấp chứng nhận và cái tâm của người trồng. Thêm vào đó, việc cấp chứng nhận làm tăng giá thành sản phẩm. Mong muốn của Ngỗng là mọi người được sử dụng sản phẩm với chất lượng và giá thành tương xứng.
May mắn, với lợi thế từ hiệu quả kinh tế của con rươi, người nông dân đã không hề sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt ốc sên nhiều năm nay mà không cần một điều kiện bắt buộc, hay giám sát nào.
IV. NGỖNG VÀ CÂU CHUYỆN ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI NÔNG DÂN
1. Sự kết nối
Để giúp khách hàng hiểu và tin tưởng chất lượng gạo ruộng rươi, đồng thời giúp nông dân sản xuất tốt hơn, minh bạch chất lượng. Ngỗng sẽ liên tục kết hợp với các đơn vị phân phối tổ chức các đợt về thăm đồng ruộng, cũng như các hoạt động trao đổi chia sẻ giữa người tiêu dùng, người nông dân, người sản xuất và nhà cung cấp. Qua đó, mọi người có thể hiểu nhau hơn, chia sẻ những khó khăn và đồng hành cùng nhau không chỉ còn là quan hệ kẻ bán người mua.
2. Hệ thống quản lý
Giai đoạn 1:
Đối với nông dân hợp tác tham gia mô hình lúa gạo ruộng rươi của Ngỗng.
Năm đầu tiên, Ngỗng sẽ thu mua gạo của nông dân với yêu cầu minh bạch thông tin, tập huấn nông dân ghi chép sổ sách, có sao ghi vậy để hiểu cách làm và sản lượng, năng suất thực tế của ruộng rươi, làm cơ sở đối chứng.
Giai đoạn 2:
Sẽ tiến hành thử nghiệm các giống chất lượng cao, giống truyền thống, ghi chép sổ sách để so sánh về hiệu quả và sản lượng, đồng thời áp dụng những biện pháp phòng trừ sâu bệnh, cải thiện đất hiệu quả hơn như sử dụng chế phẩm vi sinh EM, các loại nấm đối kháng, trồng hoa dẫn dụ, thiết lập vành đai, tạo môi trường thích hợp cho các loại thiên địch, chim chóc.
Giai đoạn 3:
Kết hợp với cơ quan nhà nước như khuyến nông, hội nông dân, hoặc các tổ chức uy tín như hiệp hội nông nghiệp hữu cơ, PGS đào tạo nông dân và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, giám sát, minh bạch nguồn gốc sản phẩm.
Mở rộng sản xuất đến những vùng không phải là ruộng rươi nhưng nông dân mong muốn phát triển nông nghiệp sạch hơn, hữu cơ.
Các sản phẩm phụ từ gạo ruộng rươi: rượu gạo ruộng rươi, cám gạo đắp mặt, dưỡng da, dầu gạo, mì gạo, dấm gạo….
P/s: Đây là những thông tin thực tế trong quá trình làm cùng với phỏng vấn trực tiếp nông dân. Có thể nội dung thông tin chưa được chính xác và chi tiết. Nếu bạn cảm thấy thông tin nào cần được xác thực chính xác hơn, có thể liên hệ để cùng xác minh nguồn thông tin.