Giỏ hàng

Sản xuất hữu cơ có được thu?

Sản xuất hữu cơ có được thu? Và hành trình 1 năm xuyên Việt đi tìm câu trả lời của Ngỗng

Một bạn trong team Ngỗng hỏi mình. “Tại sao ông cha ta ngày trước sản xuất theo phương pháp truyền thống, chính là hữu cơ vẫn mất mùa, đói kém, nghèo khổ, không đủ ăn?”

Ngày trước mình cũng băn khoăn, không tự tin khi trả lời bố việc chuyển đổi sản xuất không hóa chất mà được trái để thu dù biết rõ những vấn đề, hệ lụy của canh tác hóa học, công nghiệp đến sức khỏe và môi sinh. Đó là câu hỏi hoàn toàn đúng khi mà sinh kế của cả gia đình nông dân phụ thuộc vào việc thu nhập từ vườn và họ đã quá quen, mặc định việc phải phun xịt bón phân hóa học là điều hiển nhiên. Vậy là mình đi xuyên Việt tìm câu trả lời, thực ra nửa đoạn đường đầu cũng không biết đi đâu tìm câu trả lời. Nhân duyên đưa mình đến gặp nông dân hữu cơ PGS Hội An, xem các cô các bác nông dân thuần túy không chỉ trồng rau hữu cơ mà còn kết hợp làm du lịch và giáo dục thì mình vỡ òa trong sung sướng vì biết mình đã tìm ra manh mối. Thật tiếc là mấy năm học đại học nông nghiệp Việt Nam, chưa bao giờ nghe thầy hay đọc trong giáo trình mấy chữ “nông nghiệp bền vững”, “nông nghiệp hữu cơ”.

Quay lại câu hỏi của bạn mình, nông nghiệp hữu cơ mình có thể khẳng định nếu làm tốt kết hợp các phương pháp phù hợp với địa phương và quy mô sản xuất thì hoàn toàn có năng xuất tốt thậm chí là cao hơn nông nghiệp thông thường. Bởi đất đai ngày càng bạc màu hệ sinh thái mất cân bằng, chi phí sản xuất nông nghiệp hóa chất ngày càng cao trong khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ chỉ vất vả mấy năm đầu do hệ sinh thái chưa cân bằng, kiến thức và kinh nghiệm sản xuất, sự hiểu khu vườn chưa vững. Mấy năm trước, khi mình đi còn rất hiếm mô hình thành công, nhưng hiện nay thì bạn có thể tìm thấy rất nhiều các mô hình sản xuất tốt để học hỏi ngay tại Việt  Nam. Nông nghiệp bền vững hiện nay có rất nhiều giải pháp phù hợp với vùng miền và năng lực sản xuất khác nhau. Bạn có thể tìm thấy các phương pháp như Biodynamic, Permaculture, Natural farming, Syntropy, vườn rừng, lúa- cá-vịt, vườn ao chuồng,... trên mạng một cách dễ dàng, tổng hợp các kiến thức trong các phương pháp đấy, bạn sẽ có được mô hình hiệu quả nhất, phù hợp nhất cho khu vườn của bạn. Típ nhỏ, tất cả các mô hình sinh thái đều hướng đến sự cân bằng, vì vậy đã làm hữu cơ xin đừng có tâm diệt, hãy tìm cách sống chung tran hòa, yêu thương cỏ cây muôn loài trong vườn, chăm cây là chăm đất. Tin mình đi, bạn sẽ nhận được sự yêu thương từ khu vườn.

Một số hình ảnh đi tầm sư học đạo của mình.

Nguyên Tắc Làm Nông Sản Sạch

Những bài học đầu tiên từ nông dân PGS Thanh Đông - Hội An về nông nghiệp hữu cơ, mang tiếng học đại học nông nghiệp, đi Tây đi Tàu về mà cuốc đất không thành thân, các cô phải cầm tay, chỉnh lưng, chỉnh dáng cuốc đất ủ phân miết đó. Muốn học thì xắn tay nhao vào mà làm.

Từ Hội An đi tiếp lên Kontum, Buôn Mê Thuột, Đà Lạt, Đồng Nai, Củ Chi, Bà Rịa rồi vòng ra đến Hải Phòng cùng hai người bạn người thầy thân thiết của mình Cô Bphu- người Thái và chú Chris- người Úc, dạy mình những kiến thức đầu tiên về Permaculture, đi đến farm nào cũng mổ xẻ phân tích quy hoạch farm, chuyến hành trình nửa năm đầy kỷ niệm và những bồ kiến thức thực tế.

Thăm vườn tại Đà Lạt cùng Bphu

Phân tích cách trồng cam hữu cơ của các chuyên gia Pháp tại Biophap – Komtum cùng Chris, Bphu và Hằng Mai

Ủ phân cùng các bạn tình nguyện viên và Bphu tại An Nhiên farm- Hội An 

Biodynamic Tịnh Trúc Gia - Linh hồn của khu vườn

Mình may mắn học từ những khóa đầu tiên, và bất cứ dịp nào đến Huế cũng muốn về vườn về Tịnh Trúc Gia gặp các bạn các thầy cô. Không chỉ học làm vườn, còn những điều tuyệt vời hơn thế trong khóa học và những ngày sống cùng thầy cô và các bạn. Thực sự mình luôn cảm thấy mình là một người rất rất may mắn, nói sao nhỉ, được “ơn trên” để được gặp các bạn, để thấy mọi khó khăn trở ngại trên hành trình của Ngỗng, mọi sự yêu thương và cho đi của mình so với các thầy cô và các bạn thật nhỏ bé. Nếu các bạn có dịp đến Huế hãy đến Tịnh Trúc Gia.

Ông thầy vui tính và hiền hậu Marc Blachere và khóa học Biodynamic tại Tịnh Trúc Gia- Huế. Thầy là người nhuần nhuyễn lý thuyết và nhiều năm thực hành Biodynamic, hiện thầy sống và sinh hoạt trong một cộng đồng Camphill giống Tịnh Trúc Gia ở Copake, New York (cộng đồng có khoảng 200 thành viên)

Hepa: vườn rừng agroforestry TS Keith Barber, waikato Uni, New Zealand

Những bài học đầu tiên về cách con người nương tựa vào thiên nhiên, nương tựa và rừng và những khái niệm kinh nghiệm làm tỏ thêm cách thức xây dựng mạng lưới nông dân nòng cốt của Ngỗng. Quý hơn hết là được gặp những lão nông chi điền như Bác Phước, O Bình ở Quảng Bình hay những người nông dân trẻ như a Sường ở Simacai trong mạng lưới nông dân nòng cốt của Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội (SPERI)

TS Keith Barber, waikato Uni, New Zealand tại Hepa - Hà Tĩnh

Những người giữ đất giữ rừng giữ biên cương.

Đi thăm mô hình vườn rừng sinh thái của gia đình a Sường ở Simacai. Hâm mộ sự dũng cảm đi ngược đường của anh quá. Tốt nghiệp ra trường không chịu nhận bằng nhận vốn hỗ trợ. Quyết tâm quy hoạch mô hình gia đình theo những gì đã học. Bây giờ sau 10 năm khi đã thành mô hình tiêu biểu nhiều người học theo rồi thì a mới chịu nhận bằng.

Lúa thì có mô hình lúa-cá -vịt.

Rừng thì có tán có tầng, có cây thu hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn và rất nhiều cây thuốc nam.

Anh đang thu tỉa rừng lát bố anh trồng và trồng tiếp cây mới cho đời con cháu anh ấy thu. Để nâng cao giá trị thì mở xưởng mộc tại nhà luôn giỏi ghê.